Trước hết hêt sức hoan nghênh và cảm ơn anh Giáp Văn với những đầu tư tư duy giàu sáng tạo. Nhân anh đang bài viết về khái niệm hạ tầng tư duy, tôi xin có một số đóng góp ý kiến như sau.
Theo tôi hiểu, khái niệm "hạ tầng tư duy" được anh đưa ra với mong muốn tìm kiếm một thiết chế (institution) mới tạo điều kiện cho sự phát triển của tri thức phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.Tôi thấy cần phải phân biệt giữa hai khái niệm tư duy (mentality) và tri thức (knowledge, thought).Tư duy bản thân nó mang đậm tính cá nhân, bao gồm trí lực và bối cảnh văn hóa-xã hội cá nhân sinh trưởng; trong khi tri thức là tập hợp của nhiều tư duy khác nhau trong suy nghĩ có thể của một cá nhân hoặc của một nhóm hay một cộng đồng các cá nhân. Tư duy được hình thành và phát triển trong cơ sở hạ tầng của nó là bộ óc thông qua quá trình tích lũy thông tin và hình thành năng lực phân tích và tổng hợp, chế biến thông tin trong đó thông tin chủ yếu xuất phát từ môi trường cá nhân sinh sống, học tập và làm việc; và như thế tư duy luôn thuộc về và được nhận biết bởi cá nhân sở hữu nó. Đối với tri thức được hình thành từ quá trình tương tác giữa nhiều tư duy khác nhau, và chỉ được nhận biệt trong mối tương quan giữa các tư duy của các cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng (ở đây, luật bản quyền nhấn mạnh vào yếu tố chủ sở hữu của sản phẩm tri thức, intellectual rights, chứ không phải sản phẩm tư duy như anh nói tới trong phần về yếu tố cơ chế pháp lý hỗ trợ). Trong thực tế, chúng ta vẫn thường nói: một người có tư duy toán học, tư duy phản biện, lối nghĩ của một nhà nghiên cứu; và khi người đó hoàn thành một bài viết đưa ra trước cộng đồng (có thể là khoa học hoặc xã hội) thì mọi người nhắc tới bài viết đó là một sản phẩm tri thức của người đó đóng góp vào một hệ thống tri thức nhất định có liên quan, ví dụ như học thuyết tiến hóa, trường phái cấu trúc luận. Nói cách khác, “kiểu/lối tư duy” bản thân nó chỉ là tế bào hình thành nên [hệ thống] tri thức, và để có tư cách là một thiết chế thì chúng ta phải xem xét hạ tầng tri thức thay vì hạ tầng tư duy. Điều này cũng tương tự như việc xem xét gia đình với tư cách là một thiết chế cơ bản chứ không phải là mỗi thành viên của gia đình.Theo đó, tôi trong khi đồng ý với anh rằng “Đất nước chỉ trưởng thành khi có tư duy độc lập, phong phú và sáng tạo,” tôi thiết nghĩ cái chúng ta phải có không phải là “hạ tầng tư duy” mà là “hạ tầng tri thức” “vững chắc, lành mạnh, cởi mở và thông thoáng làm nền tảng” như anh khẳng định. Và chỉ với việc thay đổi khái niệm từ hạ tầng tư duy sang hạ tầng tri thức thì sáu yếu tố cầu thành mà anh đưa ra mới trở nên thực sự hợp lý với nội hàm của khái niệm “tư duy” và “tri thức”. Và cũng giống như khái niệm cơ sở hạ tầng, tôi thấy rằng tri thức với tư cách là một hệ thống ở cả cấp độ cá nhân và cộng đồng/quốc gia được cấu thành về cơ bản từ hai cấu phần: cấu phần tạo điều kiện cho việc sáng tạo hay sản sinh tư duy, và cấu phần tạo điều kiện cho việc phân bố và áp dụng sản phẩm tri thức.
Thứ hai, anh dẫn chứng đến "hạ tầng tư duy của dân tộc," được tôi hiểu là Việt nam, mặc dù anh không nêu tên trực tiếp, nhưng anh khẳng định “chúng ta” với tư cách cá nhân anh là một người Việt Nam. Điều cần bàn đến là cái được anh gọi là hạ tầng tư duy của dân tộc ta được anh nhận định “vốn đã manh mún, nghèo nàn và xập xệ lại ngày càng trở nên manh mún, nghèo nàn và xập xệ hơn… dẫn đến việc không tạo ra được … gì đáng kể trong tương quan so sánh với thế giới bên ngoài.” Trong khi đồng ý với việc phê phán những tồn tại gắn với các kiểu tư duy trì trệ của hệ thống tri thức trong nước, cá nhân tôi cho rằng nhận định này là phiến diện và khái quát hóa một cách thiên kiến. Vì sao? Vì cho dù chỉ là tư duy hay tri thức thì việc mặc cho cả một đất nước với 54 dân tộc có phong tục tập quán và lối sống khác nhau một bộ quần áo chung như vậy hiển nhiên là không hợp lý; vì cái được goi là “thế giới bên ngoài” không được làm sáng tỏ để hiểu được thế nào là “đáng kể”; vì “thế giới” nào cũng đều có nền tảng xã hội riêng của nó mà nếu nền tảng đó bị mất đi thì thế giới đó cũng không còn tồn tại; và vì mọi sự so sánh không dựa trên những biến số tương đương và độc lập thì đều trở nên khập khiễng và bao biện. Do đó, rất cần thiết tìm kiếm và phân biệt những “khung mẫu tư duy” tốt và xấu chẳng hạn như chuyên đề “Bàn về thói hư tật xấu của người Việt” trên báo Tiền phong, nhưng hơn thế cần phân tích làm rõ những cội rễ, cơ sở hình thành của chúng – tức là các yếu tố của hạ tầng tri thức; để rồi áp dụng, tăng cường và phổ biến những điều kiện mà dựa vào đó những lối tư duy tốt sẽ được hình thành và phát huy trong khi vẫn không quên cân nhắc tính tương hợp của các chính sách đó với những đặc thù văn hóa – xã hội của từng cộng đồng và người dân.
Mới hôm qua (10.08), báo Thanh niên lại tiếp tục đăng việc một người nông dân nghèo sáng chế thành công máy bơm nước bằng sức gió (http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200933/20090810002500.aspx). Chỉ với thông tin hạn chế góp nhặt từ khi còn được đi học lúc bé cho tới khi đi làm công nhân hầm đèo Hải Vân, nhưng với niềm khát khao và lòng tự tin (mà riêng anh có trong khi những người xung quanh không hiểu lý do anh theo đuổi), người nông dân này đã tự mở đường và phát huy lối tư duy cho riêng mình, độc lập, sáng tạo và tự thích ứng cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng.
Có thể Việt Nam vẫn còn là một “đât nước vị thành niên” như anh nói, nhưng xã hội với sự phức tạp, phong phú và năng động vốn có của nó sẽ không khi nào “chỉ là tập hợp của những đứa trẻ to xác”. Và những khái niệm “nghèo hèn, lạc hâu” hay “hiện đại, tân tiến và phát triển bền vững” vẫn đang thay đổi nội hàm hàng ngày, tùy theo mục đích của những người đề xướng chúng; trong khi người dân vẫn đang tự thích ứng, học hỏi, sáng tạo trong “không gian tri thức” (knowledge space) ở khắp nơi.
Trên đây là một vài điều chia sẻ nhân dịp anh đang bài viết về hạ tầng tư duy, với tâm huyết gây dựng đất nước giàu đẹp, an bình. Rất mong cũng sẽ nhận được những chia sẻ từ anh và các độc giả khác trong môi trường tri thức hết sức thuận tiện và thân thiện này. Thân ái. TaLong
Tuesday, August 11, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment